Hạn hán đẩy giá cà phê lên cao nhất 8 tháng

Hạn hán đẩy giá cà phê lên cao nhất 8 tháng

Phiên 17/5, giá cà phê Robusta giao tháng 7/2016 trên sàn London có lúc lên đến 1.699 USD/tấn, cao nhất 8 tháng qua, do lo ngại sản lượng Robusta của các nước sản xuất chủ chốt, kể cả Việt Nam, Brazil, Indonesia, niên vụ 2016-2017 giảm mạnh do hạn hán.

Với việc mùa mưa sắp đến tại Việt Nam, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia trong báo cáo hồi tháng 5 dự báo lượng mưa tại các vùng sản xuất cà phê chủ chốt ở miền Nam và Tây Nguyên năm nay sẽ thấp hơn 20-40% so với thường lệ.

Hiện đã có những cơn mưa rải rác, do vậy, “khô hạn và thiếu nước sẽ phần nào bớt trầm trọng trong ngắn hạn”, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Nông dân sẽ thu hoạch khoảng 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ bắt đầu vào tháng 10 tới đây, theo kết quả khảo sát của Bloomberg News, ghi nhận mức thấp nhất kể từ niên vụ 2012-2013 khi sản lượng đạt 1,65 triệu tấn.

Dù lo ngại về hạn hán, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn đang tăng mạnh với khối lượng cao hơn so với mức trung bình 5 năm qua. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2016 đạt 185.962 tấn, tăng 3%, một phần nhờ lượng cà phê lưu kho từ vụ trước đang ở mức cao.

Từ đầu tháng 3/2016, giá cà phê tại Đăk Lăk – tỉnh trồng cà phê hàng đầu của Việt Nam – đã tăng 20% lên 36.700 đồng/kg tính đến ngày 18/5.

Dù giá đi lên, song nhu cầu cà phê Việt Nam có thể tiếp tục tăng do vẫn tương đối hấp dẫn so với nguồn cung thay thế từ Brazil và Indonesia – cũng đang phải gánh chịu hạn hán.

Tuy xuất khẩu cà phê của Brazil được dự báo tăng trong năm nay, song chủ yếu nhờ xuất khẩu cà phê Arabica tăng lên. Trong khi đó, vụ thu hoạch cà phê Robusta đang bị ảnh hưởng do khô hạn nghiêm trọng tại Espirito Santo – bang sản xuất Robusta chủ chốt của Brazil.

Tại Indonesia – nước sản xuất Robusta lớn thứ 3 thế giới – thời tiết khô hạn do El Nino được dự báo kéo giảm 10% sản lượng cà phê của nước này, theo kết quả khảo sát mới nhất của Bloomberg. Tình hình này cùng với nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng cao sẽ khiến xuất khẩu cà phê của Indonesia niên vụ 2016-2017 sụt giảm.

Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) trong báo cáo tháng 4/2016 ước tính, xuất khẩu cà phê của Indonesia niên vụ 2016-2017 chỉ đạt 6,1 triệu bao, thấp nhất kể từ niên vụ 2010-2011.

Một nước sản xuất khác là Ấn Độ – nước sản xuất cà phê lớn thứ 6 thế giới, chủ yếu là Robusa – cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề của hạn hán. Ủy ban Cà phê Ấn Độ mới đây đã hạ dự báo sản lượng niên vụ 2016-2017 và ước tính sản lượng niên vụ này chỉ đạt 2450.000 tấn, thấp nhất 2 thập kỷ qua

(Nhip Cầu Đầu Tư)

Đang online: 1 | thang: 4918 | Tổng truy cập: 105678