Ngày 11/3, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên được bán với giá khoảng 32.100-32.800 đồng (1,39- 1,42 USD)/kg, tăng khoảng 300 – 500 đồng/kg so với mức 31.800-32.300 đồng cách đây một tuần. Cà phê xuất khẩu (loại 2, 5% đen & vỡ) giá chào cộng (+) 50 đến 60 USD/tấn (kỳ hạn tháng 5/2021), so với +40 đến + 50 USD/tấn cách đây một tuần.
Trong khi đó, tại Lampung (thủ phủ cà phê của Indonesia), cà phê robusta được chào giá cao hơn 230 - 240 USD/tấn so với hợp đồng tham chiếu tại London, tăng 10 USD/tấn so với cách đây một tuần; hợp đồng kỳ hạn tháng 5 cao hơn 250 USD/tấn so với giá tham chiếu quốc tế, nhiều hơn mức +250 USD/tấn hồi tuần trước.
Sở dĩ giá cà phê Châu Á tăng là do giá trên sàn London tăng, và dự đoán thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2021/22 sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt.
Trên sàn London, kết thúc phiên giao dịch 10/3, hợp đồng cà phê robusta tham chiếu giá tăng 10 USD/tấn so với phiên liền trước, lên 1.410 USD/tấn.
Xu hướng giá cà phê thế giới tăng kéo dài đã nhiều tháng nay. Trên sàn New York, cà phê arabica trong vòng một tháng qua đã tăng khoảng 9%. Chỉ số giá cà phê của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tháng 2/2021 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm n goái, đạt 119,35 US cent/lb, do giá tất cả các thành phần trong chỉ số đều tăng. Đây là mức giá trung bình tháng cao nhất kể từ tháng 10/2017, khi đó chỉ số giá của ICO là 120,01 US cent/lb.
Theo số liệu của Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2021 đã giảm 23,5% so với tháng 1/2021, xuống 122.833 tấn. Tính chung hai tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 271.000 tấn cà phê, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim n gạch 473 triệu USD (giảm 15,8%).
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020/21 ước tính tăng 1,9% đạt 171,9 triệu bao, trong đó arabica tăng 5,2% lên 101,88 triệu bao. Tiêu thụ cà phê trong niên vụ này cũng tăng 1,3% lên 166,63 triệu bao, do nhiều nơi vẫn giãn cách xã hội, làm giảm tiêu thụ cà phê ở quán xá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục chậm. Dư cung cà phê thế giới niên vụ 2020/21 theo tính toán của ICE vào khoảng 5,27 triệu bao do nguồn cung tăng mạnh mẽ hơn cả nhu cầu. Trong khi đó, theo hãng môi giới Marex Spectron thì mức dư thừa lên tới 8,4 triệu bao.
Thị trường cà phê năm 2021/22 sẽ thiếu hụt hơn 10 triệu bao
Thị trường cà phê thế giới niên vụ 2021/22 được dự báo sẽ chuyển hướng từ dư thừa sang thiếu hụt. Hãng môi giới Marex Spectron dự báo mức thiếu hụt trong niên vụ tới sẽ là 10,7 triệu bao do sản lượng của Brazil giảm mạnh. Tuy nhiên, theo Marex thì cung cà phê arabica vụ tới sẽ thấp hơn 12,1 triệu bao so với nhu cầu, nhưng cung robusta sẽ vượt 1,4 triệu bao so với nhu cầu.
Cụ thể, Marex dự báo sản lượng cà phê arabica Brazil niên vụ 2021/22 sẽ giảm mạnh xuống 32,8 triệu bao, so với 50 triệu bao của niên vụ trước, do bước vào chu kỳ san lượng thấp. Song trái với arabica, sản lượng cà phê robusta của Brazil niên vụ tới sẽ tăng lên 20,8 triệu bao, so với 19 triệu bao của niên vụ trước.
Con số dự đoán của Marex có sự khác biệt so với con số dự báo của một hãng tư vấn và dự báo khác là StoneX. StoneX cũng dự báo sản lương cà phê Brazil năm 2021/22 sẽ giảm mạnh nhưng kết quả là sẽ ở mức 51,4 triệu bao; trong đó có 31,4 triệu bao arabia (giảm 33% so với vụ trước), nhưng robusta lại tăng 11% lên 20 triệu bao.
Tham khảo: Refinitiv
Vũ Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị